Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thì sẽ ghi tên chủ hộ nếu chủ hộ có chung quyền sử dụng đất với các thành viên khác. Vậy, khi đứng tên Giấy chứng nhận thì chủ hộ có quyền gì đối với mảnh đất của gia đình mình? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Chủ hộ là người do thành viên trong hộ thống nhất đề cử
Khoản 4 Điều 10 Luật Cư trú số 68/2020/QH14 quy định như sau:
“Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.
Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.”.
Theo đó, người đứng tên chủ hộ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Được thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử.
Tóm lại, chủ hộ không ấn định là cha, mẹ hoặc ông, bà hay bất kỳ một thành viên nào khác trong hộ gia đình.
2. Quyền của chủ hộ đối với mảnh đất của gia đình
2.1. Đứng tên Sổ đỏ, Sổ hồng
Căn cứ khoản 6 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định cách ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình như sau:
(i) Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đang sử dụng đất thì ghi đầy đủ thông tin của các thành viên, cụ thể như sau:
Đối với cá nhân mà không thuộc trường hợp tài sản chung vợ chồng, thể hiện là: “Ông” hoặc “Bà”, họ tên, tên và số giấy tờ nhân thân.
Đối với cá nhân nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư tại nước ngoài, thể hiện: “Ông” hoặc “Bà”, họ tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân.
(ii) Trường hợp không ghi được hết thông tin của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của một hoặc một số thành viên có chung quyền sử dụng đất.
Tiếp theo ghi “và các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất của hộ được thể hiện tại mã QR”. Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.
(iii) Trường hợp các thành viên có thoả thuận ghi tên đại diện trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại mục (i) nêu trên, tiếp theo ghi “là đại diện cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình”.
Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.
Như vậy, trường hợp chủ hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung với những thành viên khác thì được ghi tên trong Giấy chứng nhận (ghi rõ tại trang 1 của Giấy chứng nhận).
2.2. Ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giao dịch khác
Đất của hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của các thành viên, đây là tài sản chung có thể phân chia.
Căn cứ khoản 19 Điều 30 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, quy định trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình mà thực hiện quyền sử người sử dụng đất thì trong hợp đồng, văn bản chuyển quyền phải thể hiện thông tin thành viên của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Theo quy định trên, chủ hộ gia đình sẽ được đứng tên ký trên hợp đồng chuyển quyền hoặc các giao dịch khác cùng với các thành viên của hộ gia đình.
Từ quy định này cũng có thể hiểu rằng toàn bộ thành viên hộ gia đình sử dụng đất phải cùng thống nhất thực hiện giao dịch, trường hợp chủ hộ gia đình hoặc người được uỷ quyền thực hiện ký kết giao dịch thì phải có văn bản đồng ý của các thành viên trong gia đình theo quy định pháp luật.
Tóm lại, chủ hộ gia đình có tên trên Giấy chứng nhận được thay mặt hộ gia đình ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, tặng cho, góp vốn, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất khi có văn bản thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình hoặc được cùng các thành viên trong hộ thực hiện giao dịch, hợp đồng theo quy định.
2.3. Ký các giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
Trong quá trình sử dụng đất có thể sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính về đất đai, khi đó người đứng tên đại diện trên Giấy chứng nhận (thông thường là chủ hộ) có quyền ký các biểu mẫu, giấy tờ, hồ sơ của các thủ tục đó, cụ thể:
- Ký vào đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
- Ký vào các mẫu đơn khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại, đính chính Giấy chứng nhận.
- Ký vào các mẫu đơn của các thủ tục đăng ký biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền như: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, trên đây là thông tin về vấn đề: Chủ hộ có quyền gì đối với mảnh đất của gia đình mình? Ngoài ra, nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến dịch vụ công chứng, xin vui lòng liên hệ theo thông tin:
MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀĐịa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội
Hotline : 0966.22.7979 – 0935.669.669Email:
ccnguyenhue165@gmail.com