Sổ đỏ có phải là tài sản không? Nếu bị mất xử lý thế nào?

Thông tin mô tả

Sổ đỏ, Sổ hồng là loại giấy tờ rất có giá trị vì có sổ là một trong những điều kiện để chuyển nhượng, tặng cho, được bồi thường khi thu hồi. Nếu quan trọng như vậy thì Sổ đỏ có phải là tài sản không và khi bị mất thì xử lý thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Sổ đỏ có phải là tài sản không?

Căn cứ vào các quy định hiện hành, có thể khẳng định, Sổ đỏ, Sổ hồng không phải là tài sản. Cụ thể:

1.1 Các dạng và thuộc tính tài sản

Điều 105 Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13 quy định: quy định:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo đó, tài sản gồm 04 dạng là: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tại Điều 115 Bộ luật này cũng giải thích quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Dù pháp luật không có điều khoản nào quy định hay giải thích cụ thể về thuộc tính của tài sản nhưng từ thực tiễn giải quyết, để trở thành tài sản phải có đủ các thuộc tính sau:

- Con người có thể chiếm hữu được.

- Đáp ứng nhu cầu tinh thần hoặc vật chất cho chủ thể.

- Phải có thể trị giá được thành tiền và là đối tượng trong trao đổi tài sản.

- Khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt (đối với đất là quyền sử dụng).

Qua đây, có thể thấy, Sổ đỏ không phải tài sản và đương nhiên cũng không phải giấy tờ có giá.

Công văn số 141/TANDTC-KHXX của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 21/9/2011 cũng nêu rõ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô… không phải là giấy tờ có giá.


1.2 Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền

Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024) quy định:

21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tóm lại, Giấy chứng nhận không phải là tài sản vì khi Giấy chứng nhận không tồn tại (bị cháy, hủy hoại,…) thì quyền sử dụng của người sử dụng đất không bị chấm dứt.

Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

2. Cách xử lý khi Sổ đỏ, Sổ hồng bị mất

2.1 Trường hợp bị mất


Khi bị mất Giấy chứng nhận, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục cấp lại theo quy định tại Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

- Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận

Theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ là: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

- Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bị mất Giấy chứng nhận nộp hồ sơ đến một trong các cơ quan sau:

- Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh về việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã.

- Văn phòng đăng ký đất đai.

- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

(i) Kiểm tra thông tin Giấy chứng nhận đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất ở trong hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.

(ii) Nếu phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

(iii) Nếu không thuộc trường hợp (ii) thì Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến UBND cấp xã nơi có đất để niêm yết công khai.

Đồng thời, thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương trong 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận đã được cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam đang định cư tại nước ngoài, chi phí đăng tin này cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả.

Bước 4: Niêm yết công khai việc mất Giấy chứng nhận.

UBND cấp xã thực hiện:

- Niêm yết công khai việc mất Giấy chứng nhận đã được cấp tại trụ sở UBND cấp xã và tại điểm dân cư nơi có đất trong 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết.

- Trong vòng không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, UBND cấp xã phải lập biên bản kết thúc niêm yết gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.

(iv) Huỷ Giấy chứng nhận đã cấp; đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu.

Bước 5: Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai huỷ Giấy chứng nhận đã được cấp; đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai sau khi đã hoàn tất việc niêm yết công khai và Cấp lại Giấy chứng nhận.

- Thời gian cấp lại

Căn cứ khoản 5 và khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời hạn giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận đã mất là: Không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại UBND cấp xã, thời gian đăng tin ở trên phương tiện thông tin đại chúng..

- Đối với các xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì tăng thêm 10 ngày làm việc.


2.2 Trường hợp mất Trang bổ sung của Giấy chứng nhận đã được cấp

Trong trường hợp này, thực hiện như sau:

- Hồ sơ đề nghị cấp lại Trang bổ sung:

Theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ là:

Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

Bản gốc Giấy chứng nhận đã được cấp.

- Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận

Bước 1: Nộp hồ sơ

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính và trên cơ sở dữ liệu đất đai.

- Thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận với các thông tin cập nhật của Giấy chứng nhận đã cấp và thông tin tại Trang bổ sung.

Bước 4: Trả kết quả.

Như vậy, trên đây là thông tin về vấn đề: Sổ đỏ có phải là tài sản không? Nếu bị mất xử lý thế nào? Ngoài ra, nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến dịch vụ công chứng, xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ

Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội

Hotline : 0966.22.7979 – 0935.669.669

Email: ccnguyenhue165@gmail.com
Góp ý
Được đăng bởi: Xoanvpccnh165
Địa điểm: Hà Nội
Ngày đăng tin: 09:30 26/08/2024
Phản ánh tin rao vi phạm