Các chuyên gia khuyến cáo, bạn cần bảo dưỡng thước lái ô tô định kỳ sau 6 - 12 tháng hoặc 8.000 - 10.000 km vận hành. Ngoài ra, nếu thấy xe xuất hiện một số dấu hiệu bất thường dưới đây cần đi kiểm tra và thay thế (nếu cần):
- Hiện tượng nặng tay lái xuất hiện khi lái xe tốc độ thấp: Khi tay lái trở nên nặng nề sẽ khiến tài xế mất tương đối nhiều sức lực, thậm chí xảy ra những tình huống không may. Hư hỏng có thể đến từ dầu trợ lực ở mức thấp, hỏng bơm trợ lực hay thước lái,... bạn cần mang xe đến Đại lý ủy quyền để kiểm tra.
- Tay lái trả chậm: Hiện tượng tay lái trả chậm có thể xuất hiện cùng lúc với tay lái nặng. Ngoài ảnh hưởng bởi xe bị thiếu áp suất lốp, góc đặt bánh xe bị sai, hỏng trục quay vô lăng (trục lái), thì còn có thể đến từ hoạt động kém của hệ thống điều khiển trợ lực. Lúc này, bạn nên mang xe đi kiểm tra sớm để tránh hư hỏng phát sinh về sau.
- Vành tay lái bị rơ (rung vô lăng): Sau một thời gian sử dụng, các khớp nối, khớp bẻ lái, trục trung gian, trục các đăng lái,... sẽ bị mòn khiến độ trễ khi lái gia tăng. Ngoài ra ổ bi đỡ truyền động hay lốp bị mòn cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của tay lái. Để khắc phục được tình trạng này, bạn cần đưa xe đến đại lý ủy quyền để kiểm tra và thay thế mới.
- Hệ thống lái ô tô phát ra tiếng kêu khi đánh lái: Khi đánh lái phát hiện tiếng kêu ở hệ thống lái thì có thể thước lái đã bị hỏng. Nguyên nhân là do xe bị thiếu dầu trợ lực lái, các khớp nối hoặc các đăng lái bị rơ, bơm trợ lực lái hoạt động kém hoặc trục quay vô lăng (trục lái) bị rơ. Tiếng kêu là dấu hiệu của thước lái bị hư hỏng.
- Thước lái ô tô bị chảy dầu (xe trợ lực bằng dầu thủy lực): Tình trạng chảy dầu có thể do phớt của thước lái bị hỏng, dấu hiệu nhận biết là chụp bụi 2 bên có bị ẩm dầu (sậm màu) bên trong. Nếu phát hiện vấn đề này, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng và nhanh chóng khắc phục để tránh gặp nguy hiểm khi điều khiển.